Skip to content

Muốn kinh doanh thành công? Hãy tập trung vào trí tuệ cảm xúc (emotional intelligence)

by Admin on

Khi nghĩ về một doanh nhân thành công, hình ảnh nào hiện ra trong tâm trí của bạn? Đánh bại đối thủ? Không bao giờ đầu hàng? Sẵn sàng sa thải bất kỳ nhân viên nào không đạt yêu cầu?

Phim ảnh, chương trình truyền hình và mạng xã hội thường chỉ cho thấy một khía cạnh của các doanh nhân. Theo đó, những người giỏi nhất có lòng tham vô tận về việc liên tục phát triển, kiếm tiền và nâng cao quyền lực. Nhưng nghiên cứu đã cho thấy một bức tranh khác về các doanh nhân thành công ngoài đời thực: chính Trí tuệ cảm xúc (emotional intelligence), chứ không phải tính tàn nhẫn hay phong cách lãnh đạo kiểu độc đoán, đòi hỏi cao, hay la hét và không tôn trọng nhân viên, làm nên thành công của các doanh nhân.

Các nghiên cứu cho thấy rằng trí tuệ cảm xúc (EQ) quan trọng hơn khả năng nhận thức (IQ) cho sự thành công trong kinh doanh. Chủ doanh nghiệp lãnh đạo với sự tự nhận thức (self-awareness) và sự cảm thông có thể vượt qua những cơn bão kinh tế, xây dựng mối quan hệ tốt hơn và duy trì động lực, đồng thời giúp nhân viên của họ trở nên tốt hơn.

Trí Tuệ Cảm Xúc Là Gì?

Trí tuệ cảm xúc là khả năng nhận ra, quản lý và đánh giá cảm xúc của bạn. Đó là cách bạn dũng cảm nhận lời phê phán từ nhân viên của mình. Đó là cách bạn phát triển và vượt qua những sai lầm về chiến lược. Đó là điều mà các doanh nhân cần phải làm để xây dựng thành công bền vững (theo một cuộc khảo sát trên hơn 65,000 founder).

"Nói ngắn gọn, trí tuệ cảm xúc đơn giản chỉ là có khả năng tự nhận thức, và sau đó là có khả năng nhận thức về người khác" - Nicole Kirby, Coach về trí tuệ cảm xúc cho các nhà lãnh đạo, phát biểu.

Kirby cho biết trí tuệ cảm xúc của các khách hàng của cô ấy, các doanh nhân, xoay quanh việc lắng nghe, thông cảm và nhận thức. "Nó bắt đầu từ bản thân, cách bạn tương tác với người khác và khả năng phát triển như kỹ năng như năng lực thấu cảm."

Năm yếu tố được phát triển bởi nhà tâm lý học người Mỹ Daniel Goleman tạo nên trí tuệ cảm xúc là: Tự nhận thức, Tự điều chỉnh, Tự tạo động lực, Năng lực thấu cảm, và Kỹ năng xã hội.

1. Nhận thức cảm xúc

Khả năng nhận ra cảm xúc của bạn và nhận biết được những ảnh hưởng của các cảm xúc này đến hành vi, những thay đổi về mặt sinh lý của bạn chính là sự tự nhận thức. Bạn có thể cảm thấy cáu kỉnh vào buổi sáng trước khi uống một tách cà phê, điều đó có thể khiến bạn dễ có lời nói khiêu kích với đồng nghiệp của mình. Nếu bạn có thể nhận ra những vấn đề lặp đi lặp lại, trong cảm xúc và hành động của mình, thì bạn đã có ý thức về bản thân khá vững chắc.

2. Quản lý cảm xúc

Nếu bạn tự thấy những quyết định của bản thân đưa ra quá vội vàng và thường bị ảnh hưởng bởi cảm xúc, có lẽ bạn cần làm việc với bản thân để tự điều chỉnh cảm xúc của mình. Điều chỉnh cảm xúc của bạn có nghĩa là duy trì bình tĩnh, ngay cả khi đối mặt với tình huống khó khăn, và không phản ứng một cách bốc đồng.

Ví dụ, những doanh nhân có khả năng kiểm soát cảm xúc tốt sẽ tự điều chỉnh để giữ bình tĩnh khi một nhân viên quyết định rời công ty của họ hoặc khi một nhà cung cấp không giao hàng đúng hạn.

3. Kỹ năng tự thúc đẩy

Trí tuệ cảm xúc bao gồm việc tự tạo động lực cho bản thân, bao gồm việc tự tạo ra môi trường cho bạn cảm hứng để đạt được các mục tiêu. Đặt mục tiêu khả thi, nói với đồng nghiệp về công việc của bạn và ăn mừng những chiến thắng nhỏ có thể giúp bạn xây dựng được động lực cho bản thân. Và những doanh nhân có động lực nội tại vững vàng thường có năng suất và chất lượng công việc cao hơn.

4. Năng lực thấu cảm (empathy)

Người sáng lập phải đặt mình vào vị trí của khách hàng, nhà cung cấp, nhân viên và thậm chí là đối thủ. Những doanh nhân dẫn dắt bằng trái tim nhận được nhiều sự tôn trọng và sự tận tụy từ người lao động của họ.

5. Kỹ năng xã hội

Chủ doanh nghiệp có kỹ năng xã hội là những người luôn giữ đôi tai mở và tâm trí rộng rãi, không thành kiến. Họ luôn muốn nghe những gì nhân viên của mình muốn nói, và họ thật sự cố gắng lắng nghe. Kỹ năng xã hội mạnh mẽ cũng giúp chủ doanh nghiệp quản lý xung đột nội bộ hiệu quả, cũng như đạt được các thỏa thuận công bằng với các đối tác.

Cách Nâng Cao Trí Tuệ Cảm Xúc trong Lãnh Đạo

Lãnh đạo, dù họ đang thành lập công ty mới của riêng mình hay điều hành một doanh nghiệp đa quốc gia, đều cần có trí tuệ cảm xúc. Vì họ thiết lập tiêu chuẩn cho phần còn lại của tổ chức, những người lãnh đạo có trí tuệ cảm xúc ảnh hưởng đến nhân viên của họ, nhân viên sẽ noi gương họ để hành động tương tự.

Truyền cảm hứng: Xây dựng một tầm nhìn giúp cho tất cả mọi người trong doanh nghiệp cảm thấy có cảm hứng. Tiến thêm một bước nữa và truyền cảm hứng để nuôi dưỡng mối quan hệ với đội ngũ nhân viên của mình. Giúp họ cảm thấy hy vọng và vun bồi được lòng trắc ẩn với doanh nghiệp của bạn bằng cách giao các nhiệm vụ và đặt ra những mục tiêu liên quan, dù đó là nhiệm vụ phục vụ khách hàng tốt hơn, hay tổ chức một chương trình tình nguyện.

Tạo tác động: Giao tiếp với nhân viên của bạn một cách rõ ràng và hãy chắc rằng mỗi câu nói của bạn đều bắt nguồn từ thiện ý (well-intentioned). Tổng hợp ý nghĩ của bản thân và những phản ứng mà bạn muốn nhìn thấy trước khi gửi email cho toàn công ty. Khi có ý định truyền đi thông điệp nào đó để tác động đến người khác, thông điệp của bạn cần có sức thuyết phục, đánh đúng vào nhu cầu và mong muốn của họ, chứ không phải dùng cách áp đặt hay đe dọa. Một thông điệp hiệu quả cần dựa trên hiểu biết sâu sắc về đối tượng, được truyền tải rõ ràng, logic và đầy cảm hứng.

Phát triển: Cung cấp phản hồi hữu ích và mang tính xây dựng cho nhân viên. Nói cho họ biết họ đang làm tốt những gì, và cho biết họ có thể cải thiện ở đâu. Có buổi đối thoại thường xuyên để theo dõi tiến trình của họ và tạo điều kiện giúp họ nâng cao kỹ năng, chẳng hạn như các khóa học ở công ty, coaching hoặc tài trợ học phí.

Tự tin: Bạn biết mình giỏi ở điều gì, nhưng bạn cũng biết mình cần cải thiện điều gì. Xây dựng sự tự tin bằng cách nhận ra giá trị của bạn trong tổ chức và chấp nhận rằng sẽ có những người khác trong công ty của bạn đôi khi biết nhiều hơn bạn.

Tính minh bạch: Tự nhận thức có nghĩa là nhận ra cảm xúc của bạn. Tính minh bạch có nghĩa là chia sẻ chúng với người khác. Thông báo cho nhân viên của bạn về mục tiêu và tiến trình của bạn, những gì bạn đang làm việc và những gì bạn đang cố gắng đạt được. Chân thành: không sao nếu bạn thấy công ty đang gặp khó khăn hoặc cần sự giúp đỡ để giải quyết một vấn đề.

Lạc quan: Không ai thích một người bi quan. Tự nhắc mình giữ một tư duy tích cực về tương lai. Bắt đầu với những lời tuyên bố tích cực trước khi bắt đầu ngày làm việc và khuyến khích nhân viên của bạn tập trung vào điều tích cực.

Cách Nâng Cao Trí Tuệ Cảm Xúc Trong Một Team

Là một doanh nhân, chắc chắn sẽ cần làm việc với một vài team. Việc tác động đến các thành viên trong team để thúc đẩy việc phát triển trí tuệ cảm xúc sẽ giúp cải thiện hiệu suất và sự phối hợp làm việc của họ. Như Kirby nói: "Khi bạn có khả năng tự nhận thức, bạn có thể bắt đầu quan sát trí tuệ cảm xúc ở người khác."

Quản lý xung đột: Tích cực nhận diện các xung đột. Hãy chủ động tìm hiểu các xung đột trong nhóm của bạn. Khi chúng xảy ra, đừng vội kết luận, hãy đánh giá hành vi của những người liên quan. Ngồi cùng họ và tạo điều kiện cho một cuộc trò chuyện hiệu quả và hữu ích.

Xử lý kịp thời hành vi tiêu cực: Nếu bạn phát hiện ra những hành vi độc hại như gaslighting hay thiên vị, hãy ngay lập tức giải quyết với người gây hấn và hỗ trợ cho nạn nhân. Huấn luyện các quản lý của bạn để nhạy bén với các báo cáo về hành vi tiêu cực bởi cấp dưới của họ, biết cách lắng nghe và giải quyết vấn đề một cách hòa bình.

Cộng tác: Tạo và thúc đẩy các mạng lưới trong tổ chức của bạn. Hãy hỏi nhân viên trong nhóm về sở thích, gia đình và các chủ đề khác ngoài công việc - cộng tác bắt đầu với sự tôn trọng lẫn nhau. Tổ chức các sự kiện công ty khuyến khích các đội khác nhau giao lưu và nhấn mạnh thành tích của nhóm hơn là thành tích cá nhân.

Tự đánh giá: Viết ra và xác định mục tiêu của bạn và cách đạt được chúng, việc có nhận thức chính xác về bản thân đồng nghĩa với việc có tuyên bố sứ mệnh cá nhân. Khuyến khích các thành viên trong nhóm làm điều tương tự và yêu cầu họ cởi mở về vị trí của họ trong quá trình làm việc và những gì họ cần cải thiện để đạt được mục tiêu. Bạn cũng có thể cải thiện khả năng tự đánh giá bằng cách tham gia các khóa học trực tuyến.

Sáng kiến: Phát triển tổ chức của bạn bằng cách xây dựng một văn hóa tất cả đều tham gia. Giúp đỡ người khác trong các dự án lớn và xung phong cho các nhiệm vụ. Bắt đầu làm việc hướng tới các mục tiêu xa hơn. Nhân viên sẽ noi theo hành động của bạn.

Cách Nâng Cao Trí Tuệ Cảm Xúc trong Môi Trường Làm Việc

Mặc dù một nhà lãnh đạo chỉ làm việc với một nhóm cố định, nhưng môi trường làm việc bao gồm tất cả mọi người trong tổ chức của bạn. Phát triển trí tuệ cảm xúc là chìa khóa cho một môi trường làm việc lành mạnh và có thể là xương sống cho văn hóa công ty của bạn.

Nhận thức tổ chức: Lập danh sách tất cả mọi người trong tổ chức của bạn và xác định vai trò của họ. Họ giỏi gì? Họ giúp doanh nghiệp của bạn phát triển như thế nào? Nếu bạn không chắc chắn, hãy nói chuyện với họ để tìm hiểu thêm.

Nhận thức xã hội: Khi mọi người nói chuyện, hãy cố gắng lắng nghe. Thay vì chờ ai đó nói xong để nói điều gì đó, hãy suy nghĩ về nhận xét của đồng nghiệp bạn trong một khoảnh khắc trước khi trả lời. Trao đổi với tổ chức về việc tạo ra không gian cho đồng nghiệp chia sẻ suy nghĩ của họ, đặc biệt trong bối cảnh đa dạng, công bằng và hòa nhập.

Nhận thức bản thân về mặt cảm xúc: Kirby khuyên các nhà sáng lập nên giữ một cuốn nhật ký và viết ra cảm xúc của mình. Khi bạn đưa cảm xúc của mình lên giấy, bạn có thể hiểu rõ hơn cách chúng ảnh hưởng đến bạn. Khuyến khích tự suy ngẫm và tự đánh giá trong số các giám đốc và nhân viên của bạn.

Kiểm soát cảm xúc bản thân: Là chủ doanh nghiệp, bạn định hướng cho môi trường làm việc. Kiểm soát cảm xúc của bạn có nghĩa là suy nghĩ trước khi hành động. Ví dụ, thay vì quát mắng một nhân viên có tin xấu, hãy lùi lại một bước và đánh giá tình hình một cách hợp lý.

Khả năng thích ứng: Giữ vững lập trường và đón nhận sự thay đổi và phê bình. Cân nhắc việc tự kiểm tra trong suốt cả ngày để đảm bảo bạn vẫn đi đúng hướng. Nuôi dưỡng tinh thần "can-do" trong tổ chức của bạn và nhấn mạnh khả năng vượt qua khó khăn trong công nhân của bạn.

Trí Tuệ Cảm Xúc (EQ) So Với Trí Tuệ Nhận Thức (IQ)

Là một chủ doanh nghiệp, đôi khi "street smarts" có giá trị hơn "book smarts".

Trường Kinh doanh Kelley của Đại học Indiana đã phát hiện ra rằng trí tuệ cảm xúc quan trọng hơn đối với các doanh nhân so với IQ của họ. Bởi vì trong kinh doanh, mọi thứ dường như đều có "mức độ không chắc chắn và mơ hồ cao", trí tuệ cảm xúc sẽ giúp các nhà sáng lập xử lý sự bất ngờ liên tục một cách dễ dàng.

Trí tuệ cảm xúc nâng cao khả năng thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác, quản lý căng thẳng, đưa ra quyết định vững chắc và thích ứng nhanh với thay đổi – tất cả đều là những kỹ năng quan trọng để điều hành một công ty đang phát triển.

Việc cải thiện trí tuệ cảm xúc không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, mà việc tự nhận thức được bản thân và có khả năng thấu cảm cao hơn cũng giúp cuộc sống bên ngoài môi trường làm việc trở nên lấp lánh, đáng sống hơn.

"Trí tuệ cảm xúc được cải thiện có thể tạo ra những cuộc hôn nhân tốt đẹp hơn, việc nuôi dạy con cái và các mối quan hệ khác ngoài công việc. Khi chúng ta hạnh phúc hơn trong cuộc sống không-công-việc, chúng ta sẽ hạnh phúc hơn khi làm việc.", Kirby nói.

⎯⎯⎯⎯⎯⎯⎯

Nguồn:

How To Improve Emotional Intelligence in Business (blog.hubspot.com)